Vài lưu ý để nâng cao trình độ biểu đạt bằng Tiếng Việt
Nhiều người vẫn quen nghĩ rằng mình đã là người Việt Nam thì tất nhiên mình phải biết tiếng Việt. Đây là một nhận thức khó có thể coi là đúng, khó có thể coi là đúng đắn, và những người có tư duy đúng mực thường ít khi nghĩ và nói ra như vậy.
Bạn có chú ý những từ viết nghiêng ở câu mở đầu không? Bạn thử dừng lại và suy nghĩ xem ba từ đúng, đúng đắn, đúng mực có nét nghĩa khác nhau ra sao và được dùng trong những bối cảnh nào?
Một nhà trường phổ thông sẽ phạm sai lầm lớn nếu không chú trọng và không biết cách hướng dẫn học sinh hiểu đúng và dùng đúng (ít nhất) ba từ khác nhau đó.
Đúng hoặc không đúng liên quan trước hết đến cách học đúng.
Con người nói chung có hai cách học, kể cả học tiếng Việt, đó là học theo lối thử và sai, và học có phương pháp.
Trong lịch sử loài người, việc học theo lối thử và sai đã diễn ra ngay từ thuở con người còn mông muội. Trong lịch sử cá nhân con người, việc học theo lối thử và sai lại diễn ra lần nữa ở trẻ nhỏ trước sáu tuổi, tức là trước tuổi đến trường phổ thông.
Thử tìm hiểu sơ lược một số điều về cách học tiếng Việt đúng phương pháp theo sách Cánh Buồm như sau:
1. Học có ý thức. Không phải là “ý thức” đạo đức của học trò. Đây là nói đến ý thức khoa học của việc trau giồi những kỹ năng tiếng Việt. Lớp 1, phải đọc thông viết thạo trên cơ sở những thao tác ngữ âm học. Lớp 2, bắt đầu học từ ngữ nhưng không cóp nhặt từng từ, mà học từ vựng học để nắm vững sự phát sinh và phát triển của từ ngữ để tự tạo ra từ ngữ và dùng đúng từ ngữ. Lớp 2, bắt đầu học về câu với ý thức cú pháp học, do đó mà dùng được cách học câu để rèn luyện tư duy logic… Các bạn hãy tự mình suy nghĩ về cách học chứ không phải là nội dung học và các bạn sẽ hiểu rõ thêm nội dung của nguyên tắc học có ý thức. Điều quan trọng là ở chỗ này: học với ý thức khoa học làm nền cho năng lực hoạt động ngôn ngữ lại dẫn các bạn đến ý thức mang tính đạo lý của việc học. Ngay trong từng bài học, các bạn sẽ thích thú thực hiện cách học cho mình, chứ không học vì điểm số, học cho cha mẹ vui lòng, học để ganh đua với đời…
2. Học hành dụng. “Hành dụng” khi học tiếng Việt là học không hướng vào những thứ kiến thức phù phiếm chỉ để ca ngợi tiếng Việt nhưng không hướng vào việc dùng tiếng Việt. Muốn học hành dụng, cần thực hiện một chương trình học tối ưu, mà theo định nghĩa của giáo sư Hồ Ngọc Đại, đó là vừa đủ, tiết kiệm, không thiếu không thừa, (Hồ Ngọc Đại, Công nghệ giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội, tái bản nhiều lần). Học hành dụng cũng có nghĩa như lời nhà triết học Pháp Michel de Montaigne, là học không nhằm tạo ra những “cái đầu đầy ắp” mà là những cái đầu có tổ chức, ngăn nắp, những cái đầu có tư duy. Học hành dụng cũng có nghĩa là học không để thi cử lấy điểm số cao, không nhằm bon chen, mà là học để dùng được vào cuộc sống – học để thành người Việt Nam dùng tiếng Việt Nam sáng sủa, rành rọt, mạch lạc, tiến dần lên trình độ phong phú, uyển chuyển, tinh tế.
3. Học sáng tạo. Sáng tạo không thể là một kết quả có ngay từ khi bắt đầu đi học. Sáng tạo là một mục tiêu để từng người vươn tới. Muốn sáng tạo, trước hết phải có cái “bệ phóng” cho sự sáng tạo. Bệ phóng đó khi học tiếng Việt ở bậc phổ thông (từ Lớp 1 đến hết Lớp 9) là quá trình tự học được dắt dẫn từ tiết học thứ nhất của Lớp 1. Hành trang quý giá nhất của một đời người không phải là tiền bạc và những hư vinh. Hành trang đó là năng lực tự học được nhà sư phạm hai tay dâng cho trẻ em. (Tư tưởng của nhóm Cánh Buồm). Có năng lực tự học thì sẽ học cả đời người và gắn với nó là năng lực sáng tạo cả đời người.
Phạm Toàn
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)