Tư tưởng của nhóm Cánh Buồm thể hiện trong bài viết đầu tiên là: để làm một công việc mới phải có công cụ lý thuyết mới, xứng đáng với công trình phải làm.

Cần có một khái niệm gốc làm công cụ xây dựng cho dân tộc ta một nền Giáo dục hiên đại hóa. Khái niệm đó phát biểu như sau: “Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc”.

Bài tiếp theo giải thích khái niệm trưởng thành. Một trang thanh niên phải trưởng thành để vào đời.

Xưa nay, các nhà giáo dục thường coi trưởng thành là nhờ hưởng thụ nền giáo dục “toàn diện” gồm các mặt Trí (dục), Đức, Thể, Mỹ. Về sau, còn thêm Lao (tức là lao động).

Nhóm Cánh Buồm không ghé thêm yếu tố nào nữa cho “toàn diện” hơn. Nhóm Cánh Buồm chỉ thay đổi khái niệm, coi Tư duy là giá trị cốt lõi của một con người trưởng thành.

Tư duy người chi phối sự trưởng thành cả về Trí, Đức, Thể, Mỹ, và Lao nữa. Và trưởng thành là cả quá trình nên người và quá trình đó diễn ra dưới dạng Tự học – Tự giáo dục.

Lô gich của những bài đã đăng dẫn tới bài này, bàn về bản chất việc HỌC của con người, và bản chất đó là TỰ HỌC.

Hành trình tìm cơ sở lý luận đổi mới giáo dục

Khi mới thành lập nhóm Cánh Buồm, các thành viên đã phải tranh cãi sôi sùng sục về việc định nghĩa Học là gì?

Đó là vì, tiếp liền theo việc định nghĩa lại khái niệm Giáo dục, với hàm nghĩa tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên, định nghĩa đó chuyển hoạt động nhà trường từ việc dạy học sang tổ chức việc học.
Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp.
Đó là điều lâu nay vẫn quen gọi bằng khẩu hiệu “lấy học sinh làm trung tâm”.

Vậy, học là gì? Học là làm những công việc gì? Thế nào là học đúng và thế nào là học chưa đúng, thậm chí không đúng?

Đồng thời, ngay lập tức, có những phần tử “tham lam” đáng yêu trong nhóm còn nêu thêm câu hỏi: không chỉ tổ chức việc học, liệu có thể tổ chức cả việc tự học của trẻ em không?

Cuối cùng, sự “tham lam đáng yêu” đã thành xu thế chính trong việc nhóm Cánh Buồm cùng nhau đi tìm lời giải đáp.

Trong công việc tìm tòi này, ngoài tinh thần thực sự cầu thị, nhóm Cánh Buồm cũng có những thuận lợi riêng như sau.

Trước hết, trong nhóm có “bạn” U80 đã từng được đào tạo bài bản về Tâm lý học giáo dục.

(Xin mở ngoặc: bạn già về hưu này hiện là giám đốc một Viện nghiên cứu cai nghiệm ma túy, dùng Tâm lý học để cứu vớt những kẻ nghiện ngập đáng thương mà không cần đến biện pháp tập trung, cưỡng bức).

Nhóm lại có nhiều bạn đã trải nhiều năm làm công việc dịch thuật tư liệu cho các Viện nghiên cứu, các trường Đại học lớn.

Để dịch đúng, những người này phải cùng nhau tự học và dần dần họ làm chủ được nhiều chân lý khoa học chính mình hào hứng tìm ra trong khi làm thuê và được tiền thuê dịch.

Và điều thuận lợi thứ ba, đó là cú hích từ Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Trong nửa cuối những năm 1970 trở đi, vị giáo sư hơn ba chục tuổi đời đang còn năng nổ này đã tạo ra cơn lốc Tâm lý học.

Ông đã buộc các nhà sư phạm phải cố gắng thoát ra khỏi sự lỗ mỗ Tâm lý học giáo dục.

Dĩ nhiên, nhóm Cánh Buồm có được hưởng lợi từ những vụ “gây bất hòa” tích cực thời đó.

Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm

Nhóm Cánh Buồm ra mắt bằng cuộc hội thảo mang tên Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em. Đó là cuối năm 2009.
Khi đó, nhóm vẫn phải dùng mấy chữ dạy trẻ em. Ngay khi đó mà nhẹ dạ dùng cách nói như về sau này – tổ chức việc học – thì e rằng hơi sớm.

Dẫu sao, cái tinh thần “hiểu trẻ em” đã là một mệnh lệnh khoa học đối với các thành viên già và trẻ trong nhóm. Điều đó dẫn đến những cuộc hội thảo các năm sau, mỗi ngày một nâng dần tính chất tự lập, tự học, tự giáo dục.

Trong kế hoạch bước đầu của nhóm Cánh Buồm, chúng tôi tập trung vào việc học hỏi từ Jean Piaget (Thụy Sĩ), Howard Gardner (Mỹ), và Lev Vygotsky (Nga).

Tại sao lại là ba lựa chọn đó?

Trước hết, nói về Piaget.

Nhà tâm lý học này có gốc gác khoa học là khoa sinh vật học. Ông từng “làm thuê” cho trường phái tâm lý học trắc nghiệm. Ông đã từng ngồi với từng em bé, trước mặt hai người là tờ giấy trắng và cây bút chì.

Ông thực hiện việc hỏi em nhỏ và ghi những câu trả lời để nộp cho chủ đề tài.

Piaget có đặc điểm này khi làm công việc đo nghiệm tâm lý học. Ông thích thú và quan tâm đến những câu trả lời sai của trẻ em được ông đo nghiệm. Nhà tâm lý học giáo dục Mỹ Howard Gardner giới thiệu về Jean Piaget  như sau:

“Chính là từ một người được đào tạo theo truyền thống IQ mà chúng ta có được một cách nhìn vào trí tuệ thay thế được trào lưu test đo nghiệm trí khôn trên nhiều phương diện.

Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget bắt đầu sự nghiệp khoảng năm 1920 với tư cách người làm việc trong phòng thí nghiệm của Simon và ông chỉ quan tâm đến những sai lầm trẻ em thường mắc phải khi xử lý các thực nghiệm đo nghiệm trí khôn.

Piaget đã đi đến chỗ tin tưởng rằng điều quan trọng không phải là câu trả lời đúng của trẻ em, mà là những cách suy luận các em đưa ra, những cái đó có thể thấy rõ nhất khi tập trung vào những khẳng định và những lập luận làm đẻ ra các kết luận sai lầm”.

Ông mường tượng thấy trong những câu trả lời sai có chứa đựng một tiềm năng mà ông cần nghiên cứu (và lập nghiệp) thành công trong khoa Tâm lý học nhận thức và Tâm lý học phát triển.

Piaget tiến hành những nghiên cứu trên trẻ nhỏ từ khi mới lọt lòng, bắt đầu từ chính các con của ông và về sau là các trẻ em khác tại Viện Jean-Jacques Rousseau ở Genève .

Những công việc này đã giúp ông sớm xác định được bản chất của việc học của trẻ em (từ độ tuổi rất sớm, từ phút đầu tiên lúc mới lọt lòng).

Có thể nêu ví dụ từ vô vàn ví dụ trong cuốn “Sự ra đời trí khôn của trẻ em”. [1]

Quan sát 1:…“Bé Lucienne sau 15 phút và bé Laurent sau nửa giờ sinh ra đã mút bàn tay. (…) Ở Lucienne, vì bàn tay được giữ yên trong tư thế của nó, việc mút ngón tay kéo dài hơn 10 phút”…(tr.42).
Một buổi hội thảo của nhóm Cánh Buồm, ảnh do nhà giáo Phạm Toàn cung cấp.
Sau khi sinh vài giờ trẻ mút vú mẹ lần đầu tiên, và quan sát cho thấy mỗi bé bú mẹ với những phản ứng rất khác nhau… Từ đó bằng việc quan sát liên tục, hàng trăm lần mỗi lần bé thèm bú, cử động tìm vú và đến 29 ngày bé thích nghi với việc bú ra sao…

Theo cách nói dân dã, ta sẽ tạm kết luận như sau: chẳng ai dạy đứa trẻ cách bú để thỏa mãn cơn đói và cơn khát cả – các bé đã tự học đấy!

Nói theo cách nói khoa học của Piaget, ta sẽ bảo:

Lý thuyết về thích nghi (học lấy cái mới trong môi trường sống) và điều tiết (cái mới đã thích nghi với cái mới hơn) và tổ chức cả một hệ thống các phản xạ thuần túy có thể tạo thành thái độ tâm lý, và sẽ có được sự hệ thống hóa sự vận hành của các phản xạ đó.

Quá trình đó trải qua 6 giai đoạn hình thành, phát triển (trong vòng 1 năm 6 tháng) cái cấu trúc cảm giác vận động sơ khai được áp dụng vào các tình huống mới;

Nó được liên kết giữa các vận động cầm nắm, nghe, nhìn, phát âm… trở thành những cái “sơ đồ tạm” hoặc “cấu trúc sơ khai”, (Piaget đặt một cái tên không có trong ngôn ngữ thường dùng: schème) ngày càng được đồng hóa, phổ cập hóa phong phú và có khả năng điều tiết linh hoạt ứng với các tình huống khác nhau.

Chẳng hạn như, khi một đồ chơi vốn có trong tầm của trẻ “bỗng” vắng mặt, thì trẻ ngơ ngác, bập bẹ gọi tên đồ vật và đi tìm kiếm nó (quan sát 181 của Piaget).

Như vậy là biểu trưng về đồ vật vắng mặt (cái sơ đồ biểu trưng trong não) đã điều khiển hành vi tìm kiếm của đứa trẻ. Một nấc thang phát triển có chất lượng mới về trí khôn được ra đời ở đứa trẻ (tr.415).

Trong cuốn “Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em” [2], Piaget lại trả lời tiếp câu hỏi: Biểu tượng từ đâu mà có? Đó là từ sự bắt chước và từ trò chơi.

Piaget quan sát trẻ sơ sinh từ đầu và thử nghiệm phát lại những âm đứa trẻ 2 tháng 11 ngày, trẻ tỏ ra “chú ý” nghe; rồi khi nó 2 tháng 17 ngày, khi ông phát âm lại những âm quen thuộc (ví dụ arr…), bé đã bắt chước ngay và arr… theo…

Rồi lúc bé được 1 tháng 26 ngày, ông làm động tác quay đầu sang bên phải, bên trái, bé nhìn và cũng bắt chước quay đầu theo… Ông gọi đó là giai đoạn bắt chước lẻ tẻ.

Giai đoạn tiếp theo là “Bắt chước có hệ thống những âm thanh trẻ đã phát âm và những động tác trẻ đã thực hiện trước đó và được trẻ nhìn thấy”, (như bắt chước những âm thanh, những cử động tay, chân… ở trẻ 7 – 9 – 10 tháng).

Giai đoạn 4 và 5: “Bắt chước những vận động không nhìn thấy trên cơ thể và những hình mẫu” (như bắt chước chớp mắt; bắt chước lấy mùi soa phủ lên đồ vật – 11 tháng 28 ngày).
Vào lúc 1 năm 3 tháng 15 ngày trẻ biết chủ động bắt chước những âm thanh có nghĩa, như mama, papa,… Như vậy những cấu trúc sơ khai ngày càng được đồng hóa và điều tiết cao hơn để đáp ứng những hành vi ngày một phức tạp hơn.

Giai đoạn 6: Bắt đầu sự bắt chước có tính biểu trưng và sự tiến hóa của bắt chước.

Từ bắt chước tức thời đến bắt chước trì hoãn (sau mới lặp lại), rồi bắt chước có tính biểu trưng ở trẻ vào lúc 2 tuổi, là một trong những cơ sở hình thành biểu tượng ở trẻ.

Cùng với bắt chước là trò chơi, có ý nghĩa quyết định tới hình thành biểu tượng. “Sự sinh ra trò chơi” ở trẻ cũng bắt đầu từ cảm giác vận động khi trẻ ném quả bóng cho nảy lên, kéo cái xe bằng sợi giây…

Đó là bắt đầu những trò chơi thực hành đơn giản (lúc hơn 2 tuổi); tiếp đó là trò chơi tượng trưng (chăm sóc búp bê, nấu ăn…); rồi trò chơi có quy tắc…

Cùng với phát triển ngôn ngữ, trò chơi phát triển với nhiều kiểu dạng phong phú, cho đến trẻ 7 – 8 tuổi vẫn phát triển các trò tượng trưng, trò chơi có quy tắc… với biểu tượng ngày càng phong phú, đa dạng và có tính khái quát cao hơn.

Quá trình bắt chước và trò chơi là cơ sở hình thành nên thế giới biểu tượng ở trẻ. Các biểu tượng tạo nên các liên tưởng, là cơ sở cho phát triển trí tưởng tượng, tư duy hình tượng ở trẻ.

Cùng với sự phát triển ngôn ngữ, các biểu tượng là tiền đề phát triển tư duy, từ giai đoạn “tiền thao tác” (2 đến 6 tuổi); giai đoạn “thao tác cụ thể” (7 đến 11 tuổi); giai đoạn “thao tác hình thức” (trên 12 tuổi); vân vân…

Trên đây, đã nói hơi kỹ về Piaget. Dùng chữ “hơi kỹ” là để nói về “thị phần” Piaget trong một bài báo không thể viết dài.

Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm sẽ sớm bổ sung công trình thứ ba, tạo thành một bộ ba đầu tiên bằng cuốn:

Sự hình thành cái thực ở trẻ (nhà xuất bản Tri thức sẽ cho ra mắt vào tháng 3 năm nay) và bổ sung bằng cuốn Tư duy và ngôn ngữ của Lev Vygotsky (nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi của nhóm Cánh Buồm đang hoàn thành).
Tủ sách Tâm lý học này cũng đã công bố công trình Cơ cấu trí khôn [4] của nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner nói về lý thuyết trí khôn nhiều thành phần của ông.

Một số công trình quan trọng khác của Howard Gardner [5] cũng đang được hoàn thành.

Tác giả Mỹ Howard Gardner đang còn sống, là người đương thời với chúng ta. Những tìm tòi của ông bổ sung cho Piaget về tinh thần “đại chúng”.

Trí khôn của con người không chỉ xoay quanh một yếu tố cốt lõi – thường là trí khôn Toán học.

Nói cho dễ hiểu, nó giống như thói quen ở nước ta coi chỉ có người giỏi Toán mới là người thông minh.

Nhưng chẳng nhẽ một thanh niên ít học nhưng điều khiển con thuyền giữa cả vạn hòn đảo mà không lạc, hoặc người chơi đàn thuộc lòng cả chục cả trăm bản nhạc… lại không có trí khôn?

Kết luận

Nhóm Cánh Buồm chỉ có thể chọn lọc giới thiệu công trình của một số nhà tâm lý học để chúng ta cùng thấy cái lý lẽ cốt lõi của việc quả quyết rằng, bản chất của việc học của con người từ tấm bé, thậm chí từ khi lọt lòng, là công việc tự học.

Học là tự học. Cái cơ chế tự học đã được các nhà tâm lý học tìm thấy từ lâu.

Chỉ lo “cải cách giáo dục” mà không lo cái lý lẽ cốt lõi của sự học, không thấy bản chất của việc học là tự học, không quan tâm nghiên cứu con đường tự học, thì không thể thành công!

Những thay đổi bề ngoài của lớp học (thí dụ “học nhóm”) mà không dựa trên cách tổ chức việc tự học, thì chỉ có ý nghĩa là sự chạy theo những sắc áo lòe loẹt và coi đó là sự sống thực của nhà trường!

Jean Piaget nói: “Chỉ có giáo dục mới có khả năng cứu những xã hội của chúng ta khỏi khả năng sụp đổ, cho dù đó là sự sụp đổ do bạo lực hay sự sụp đổ dần dần”. [6]

Vấn đề cần suy nghĩ là xây dựng một nền giáo dục như thế nào. Một nền giáo dục kiểu Khổng Nho “hãy nghe lời ta”, “hãy tả cây bàng sân trường theo bài mẫu của ta” – hay đó là nền giáo dục của Tự do và Trách nhiệm ở đó sự Học có bản chất là sự Tự học.

Nhà giáo Phạm Toàn (đăng trên http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ban-chat-cua-viec-hoc–co-so-ly-luan-cua-Canh-Buom-post174072.gd)

Tài liệu tham khảo:

[1]Piaget Jean. Sự hình thành trí khôn ở trẻ nhỏ, Hoàng Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2015 (Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm.

[2] Piaget Jean. Sự hình thành biểu trưng ở trẻ nhỏ. Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2016 (Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm).

[3] Wallon Henri, Từ hành động đến Tư duy, tr.157 (dẫn theo Piaget).

[4]  Gardner Howard, Có cấu trí khôn, Phạm Toàn dịch, NXB Tri Thức, 2016 (Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm).

[5]  Gardner Howard, Trí khôn phi học đường,Phạm Anh Tuấn dịch và Trí khôn sáng tạo,Hoàng Hưng dịch (Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm.

[6]  https://vi.wikipedia.org/wiki/Jean_Piaget

Nhiều người vẫn quen nghĩ rằng mình đã là người Việt Nam thì tất nhiên mình phải biết tiếng Việt. Đây là một nhận thức khó có thể coi là đúng, khó có thể coi là đúng đắn, và những người có tư duy đúng mực thường ít khi nghĩ và nói ra như vậy. 

Bạn có chú ý những từ viết nghiêng ở câu mở đầu không? Bạn thử dừng lại và suy nghĩ xem ba từ đúng, đúng đắn, đúng mực có nét nghĩa khác nhau ra sao và được dùng trong những bối cảnh nào? 

Một nhà trường phổ thông sẽ phạm sai lầm lớn nếu không chú trọng và không biết cách hướng dẫn học sinh hiểu đúng và dùng đúng (ít nhất) ba từ khác nhau đó. 

Đúng hoặc không đúng liên quan trước hết đến cách học đúng. 

Con người nói chung có hai cách học, kể cả học tiếng Việt, đó là học theo lối thử và sai, và học có phương pháp. 

Trong lịch sử loài người, việc học theo lối thử và sai đã diễn ra ngay từ thuở con người còn mông muội. Trong lịch sử cá nhân con người, việc học theo lối thử và sai lại diễn ra lần nữa ở trẻ nhỏ trước sáu tuổi, tức là trước tuổi đến trường phổ thông.

Thử tìm hiểu sơ lược một số điều về cách học tiếng Việt đúng phương pháp theo sách Cánh Buồm như sau: 

1. Học có ý thức. Không phải là “ý thức” đạo đức của học trò. Đây là nói đến ý thức khoa học của việc trau giồi những kỹ năng tiếng Việt. Lớp 1, phải đọc thông viết thạo trên cơ sở những thao tác ngữ âm học. Lớp 2, bắt đầu học từ ngữ nhưng không cóp nhặt từng từ, mà học từ vựng học để nắm vững sự phát sinh và phát triển của từ ngữ để tự tạo ra từ ngữ và dùng đúng từ ngữ. Lớp 2, bắt đầu học về câu với ý thức cú pháp học, do đó mà dùng được cách học câu để rèn luyện tư duy logic… Các bạn hãy tự mình suy nghĩ về cách học chứ không phải là nội dung học và các bạn sẽ hiểu rõ thêm nội dung của nguyên tắc học có ý thức. Điều quan trọng là ở chỗ này: học với ý thức khoa học làm nền cho năng lực hoạt động ngôn ngữ lại dẫn các bạn đến ý thức mang tính đạo lý của việc học. Ngay trong từng bài học, các bạn sẽ thích thú thực hiện cách học cho mình, chứ không học vì điểm số, học cho cha mẹ vui lòng, học để ganh đua với đời… 

2. Học hành dụng. “Hành dụng” khi học tiếng Việt là học không hướng vào những thứ kiến thức phù phiếm chỉ để ca ngợi tiếng Việt nhưng không hướng vào việc dùng tiếng Việt. Muốn học hành dụng, cần thực hiện một chương trình học tối ưu, mà theo định nghĩa của giáo sư Hồ Ngọc Đại, đó là vừa đủ, tiết kiệm, không thiếu không thừa, (Hồ Ngọc Đại, Công nghệ giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội, tái bản nhiều lần). Học hành dụng cũng có nghĩa như lời nhà triết học Pháp Michel de Montaigne, là học không nhằm tạo ra những “cái đầu đầy ắp” mà là những cái đầu có tổ chức, ngăn nắp, những cái đầu có tư duy. Học hành dụng cũng có nghĩa là học không để thi cử lấy điểm số cao, không nhằm bon chen, mà là học để dùng được vào cuộc sống – học để thành người Việt Nam dùng tiếng Việt Nam sáng sủa, rành rọt, mạch lạc, tiến dần lên trình độ phong phú, uyển chuyển, tinh tế

3. Học sáng tạo. Sáng tạo không thể là một kết quả có ngay từ khi bắt đầu đi học. Sáng tạo là một mục tiêu để từng người vươn tới. Muốn sáng tạo, trước hết phải có cái “bệ phóng” cho sự sáng tạo. Bệ phóng đó khi học tiếng Việt ở bậc phổ thông (từ Lớp 1 đến hết Lớp 9) là quá trình tự học được dắt dẫn từ tiết học thứ nhất của Lớp 1. Hành trang quý giá nhất của một đời người không phải là tiền bạc và những hư vinh. Hành trang đó là năng lực tự học được nhà sư phạm hai tay dâng cho trẻ em. (Tư tưởng của nhóm Cánh Buồm). Có năng lực tự học thì sẽ học cả đời người và gắn với nó là năng lực sáng tạo cả đời người.

Phạm Toàn

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Mở đầu 

Các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng trong ngôn ngữ, những khác biệt giữa các phương ngữ có ở cả ba cấp độ ngữ âm (khác nhau khi phát âm cùng một tiếng), từ vựng (khác nhau khi cùng một sự vật nhưng gọi tên bằng những từ khác nhau) và ngữ pháp (cùng một ý nhưng diễn đạt bằng những câu khác nhau). 

Tuy nhiên, mức độ khác biệt nhiều nhất là ở ngữ âm, sau đó là từ vựng, còn khác biệt trong ngữ pháp thì ít nhất. Tiếng Việt cũng vậy. 

Việc nghiên cứu những khác biệt về mặt ngữ âm là công việc đầu tiên phải chú trọng. 

Chúng ta sẽ tìm hiểu hiện tượng phát âm theo cách khác những từ như (con) trâu, tuy viết ra thống nhất, nhưng người Bắc bộ Việt Nam vẫn phát âm thành (con) châu, tất cả các từ như trí tuệ, trí thức, tri giác, tri ân, trì trệ… người Bắc Việt Nam đều phát âm thành chí, chi, chì… trong khi người Trung bộ Việt Nam không bao giờ phát “nhầm” những âm đó. 

Tương tự như vậy, người phát âm “giọng Bắc” sẽ thấy khó hiểu vì sao người Thanh Hóa viết là cũng nhưng phát âm thành củng, viết là chị nhưng phát âm thành chậy, người Nam Bộ phát âm mỹ thành mẫy, người Quảng Ngãi viết hai người nhưng phát âm hơ ngừa, dẫn đến câu đùa “pha giọng”, ví dụ: Eng không eng, đổ cho chó eng, téc đèng đi ngủ… 

Do đó, vấn đề ngữ âm địa phương được đặt ra để tìm cách xử lý những khác biệt trong giáo dục (dạy chính tả, học từ ngữ, và cả quá trình nói–nghe– đọc–viết), cũng như trong giao tiếp. 

Nghiên cứu khác biệt ngữ âm nhằm mục đích thống nhất cách nói và cách viết, thuận tiện trong giao dịch của mọi người ở mọi vùng miền, và càng có ích trong công việc giáo dục, nhất là ở bậc phổ thông. 

Các bạn sẽ tìm hiểu và xác định phương ngữ là gì, và các phương ngữ tiếng Việt là gì. Tiếp đó, chúng ta sẽ liệt kê và miêu tả bức tranh phức tạp về âm địa phương trong tiếng Việt. Chính các bạn, dù chưa là nhà ngôn ngữ học, cũng cần đưa ra những cách xử lý.

1. Chuẩn mực để so sánh 

Chúng ta đang bàn đến so sánh sự khác biệt về ngữ âm. Vậy trước hết cần xác định rõ chuẩn mực rồi qua đó mà tìm thấy sự khác biệt – nói cho dễ hiểu, khác biệt là so với chuẩn mực nào? Nói một vật bị “nghiêng”, tức là nó “không thẳng” như chiều thẳng đứng của cái dây dọi. Nói một vật không “vuông thành sắc cạnh” là so độ lệch của nó với cái “norm” – một từ có gốc Hy Lạp để gọi tên cái “thước thợ”. 

Vậy cái “dây dọi” và cái “thước thợ” trong địa hạt ngữ âm nằm ở đâu? 

Từ lâu, các nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra: đó là (a) sự khác biệt giữa các phương ngữ với nhau; và (b) sự khác biệt giữa phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân. Nhờ sự so sánh đó mà ta nhận ra các phương ngữ – hay là các ngôn ngữ mang màu sắc địa phương

Có thể dùng chuẩn (a) so sánh giữa các hiện tượng phương ngữ với nhau không? Ta thấy rõ là có sự khác biệt ngữ âm giữa các phương ngữ, nhưng ta không thể khẳng định tùy tiện rằng phương ngữ này “chuẩn” hơn phương ngữ kia. 

Và thế là, để đi tìm sự khác biệt ngữ âm, chúng ta chỉ còn một cách là so sánh phương ngữ với ngôn ngữ chung của toàn dân. Vì sao cái ngôn ngữ toàn dân này lại đáng được coi là chuẩn mực? Lý do duy nhất là hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ toàn dân này đã hình thành từ rất lâu, vì thế mà được nghiên cứu và mô tả đầy đủ từ rất sớm. 

Đến nay, cấp độ ngữ âm thể hiện ở đơn vị tiếng của tiếng Việt đã được hiểu biết gần như hoàn toàn đầy đủ. Mỗi tiếng của tiếng Việt đều thỏa mãn cấu trúc (a) âm đầu, (b) âm đệm, (c) âm chính, và (d) âm cuối. 

Thanh của tiếng
Phụ âm đầuPhần vần
âm đệmâm chínhâm cuối

Mỗi tiếng nằm trong cấu trúc trên còn có thể có một trong sáu thanh điệu; và chúng được tạo thành bởi 23 phụ âm làm thành phần âm đầu, 14 nguyên âm (9 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi, 2 nguyên âm ngắn) tạo thành âm chính hoặc âm đệm; 8 phụ âm và bán phụ âm để tạo thành âm cuối. Hệ thống này gắn với cách quy định thống nhất và được toàn dân chấp nhận, tạo thành bộ luật chính tả tiếng Việt. Tất cả mọi người đều có thể dùng các cuốn Từ điển tiếng Việt làm căn cứ cho bộ luật chính tả đó. 

Ngoài căn cứ có tính khoa học đó ra, còn có trạng thái tâm lý sau: khi nghe một giọng nói lạ, người xung quanh coi đó là “lạ” bởi vì nó lệch với chuẩn ngôn ngữ toàn dân đã được mọi người thừa nhận ngầm với nhau: tiếng Bắc hoặc tiếng Hà Nội.

Tiếng Bắc hoặc tiếng Hà Nội từ lâu đã được ngầm thừa nhận là chuẩn ngôn ngữ toàn dân. Ảnh: Sưu tầm.

2. Giới hạn phạm vi so sánh 

Việc so sánh như vậy về mặt ngữ âm, mang tính hành dụng, nằm trong khuôn khổ của âm tiết phát ra một tiếng (GS. Nguyễn Tài Cẩn gọi là “tiếng một”). Việc nghiên cứu và so sánh các đơn vị âm thanh lớn hơn âm tiết (như trọng âm khi phát một ngữ, như ngữ điệu khi nói một câu) sẽ được học ở lớp Bảy, không đưa ra so sánh trong bài học này. 

Việc miêu tả và so sánh những khác biệt về ngữ âm ở đây sẽ quy về các phương ngữ. Bài này sẽ giúp các bạn cách làm việc thực chứng đối với hiện tượng khác biệt về ngữ âm tiếng Việt. Chính các bạn học sinh, những người có mặt ở tất cả các địa điểm trong cả nước, sẽ là những nhà nghiên cứu có mặt suốt từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây của tổ quốc ta, và chính các bạn sẽ thống kê tất cả các dị biệt về phát âm mà mình bắt gặp. Mong các bạn hãy ghi nhận cách làm việc của các nhà phương ngữ học theo lối khoanh vùng và chỉ ra các đặc điểm chính của tiếng nói các vùng. 

Cho đến nay, dựa trên những điều đã biết, chúng ta có thể phân chia tiếng Việt thành các vùng phương ngữ như cách phân chia của Hoàng Thị Châu [3, 91]. Cụ thể: 

– Phương ngữ Bắc: Bắc Bộ. 

– Phương ngữ Trung: từ Thanh Hóa đến bắc đèo Hải Vân. 

– Phương ngữ Nam: Nam Trung Bộ và Nam Bộ. 

Một vài ví dụ dưới đây đủ để thấy đặc điểm chung nhất của phương ngữ. 

(a) Hiện tượng lẫn lộn phụ âm đầu l/n chỉ xảy ra ở Bắc Bộ, còn từ Thanh Hóa trở vào không bị lẫn lộn cặp âm này. 

(b) Hiện tượng lẫn lộn phần vần của tiếng xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, trong khi đó là hiện tượng hiếm hoặc không có ở các tỉnh phía Bắc. 

(c) Mỗi vùng phương ngữ như vậy lại mang những đặc điểm riêng để có thể phân chia thành các tiểu phương ngữ – tiếng Việt ở các vùng phương ngữ Trung gần như mỗi tỉnh là một tiểu phương ngữ như vậy: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. 

3. Một số tư liệu phương ngữ 

3.1. Về phương ngữ Bắc 

Nhìn chung, phương ngữ này có trung tâm là tiếng Hà Nội, là địa phương có tiếng nói gần với “chuẩn chính tả” nhất. Từ năm 1651, khi A. de Rhodes cho in ở Roma cuốn Từ điển Việt–Bồ–LaPhép giảng tám ngày cũng đã xác định như thế. Ưu điểm thấy rõ của phương ngữ này là nói đủ sáu thanh điệu và phần vần phong phú hơn các phương ngữ khác. Lỗi “chết người” đối với người dân vùng này tập trung chủ yếu ở phụ âm đầu. Đó là: 

(a) Không phân biệt s với x, r với d, tr với ch 

+ (con) sâu ≠ xâu; (cá) sấu ≠ xấu; (hoa) sen ≠ xen; (chim) sẻ ≠ xẻ; sâu sắc ≠ xâu xắc,… 

+ rau ≠ dau; (chòm) râu ≠ dâu; rể ≠ dể; rễ (cây) ≠ dễ; ruộng (lúa) ≠ duộng,… 

+ (bức) tranh ≠ chanh; (buổi) trưa ≠ chưa; trái ≠ chái,… 

Lỗi này xảy ra ở toàn bộ khu vực Bắc bộ. Trong cách nói, người nghe bỏ qua, nên nó không bị coi là lỗi. Nhưng trong cách viết, nếu không có sự rèn luyện công phu trong nhà trường phổ thông, thì đến già có khi cũng vẫn mắc lỗi. 

(b) Không phân biệt, lẫn lộn giữa l với n 

+ lá (cây) ≠ ná; lời (nói) ≠ nời; lòng lợn ≠ nòng nợn; luộc ≠ nuộc; làm ≠ nàm,… 

+ (uống) nước ≠ lước; nắng ≠ lắng; Hà Nội ≠ Hà Lội; non nước ≠ lon lước,… 

Lỗi này chỉ xảy ra ở 11 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Riêng khu vực miền núi phía Bắc thì ít gặp. Đây là cách “xô dồn” hai chiều, là triệu chứng của xu hướng hòa nhập một âm bên và âm đầu lưỡi, một xu hướng “giản hóa cấu âm” mang tính chất tiến bộ. 

Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này đang bị đánh giá sai lệch là lầm lẫn của người có văn hóa thấp. Thực ra, vô số người có học, thậm chí học cao, cũng mắc vào tập tính phát âm lẫn lộn l và n này. Nhưng người có ý thức tôn trọng ngữ âm chuẩn xác sẽ luôn luôn cảnh giác với cách phát âm của mình để khỏi phạm vào sai lệch này. 

Nhìn chung, hiện tượng lẫn lộn trên đang là nỗi quan tâm của nhiều giáo viên. Trong số họ, có những người tìm cách dùng các phép ghi nhớ máy móc như “sờ nặng xờ nhẹ”, “lờ cao nờ thấp”, “trờ trê chờ chó”,… nhưng không căn bản, vì không chỉ ra được quy luật đúng/sai. Về việc sửa lỗi chính tả loại này, người có trình độ học vấn chắc chắn sẽ bớt mắc các lỗi trên, mà nguyên nhân là sự ý thức về cái sai/đúng để tự rèn luyện, dẫn đến hết lỗi phát âm “sai”. 

Do đó, cách khắc phục chung “nhược điểm” này là: 

– Ý thức về sự đúng/sai để tự rèn luyện: tự học, tự ghi nhớ cả đối với ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết. 

– Gặp bất kỳ trường hợp “ngờ ngợ” nào đều phải tra từ điển chính tả để hiểu sâu vì sao có cách viết này khác. 

Theo kinh nghiệm của nhiều người, có thể có mấy “mẹo” sửa như sau: 

– Cách đặt lưỡi cấu âm n đúng: chọn từ có âm cuối –n, như non, con, hòn,…giữ nguyên vị trí lưỡi, chuyển nói hoặc đọc trong ngay từ (âm tiết) có phụ âm đầu n, như nước, non nước, (con) này, (hòn) non bộ,… Cách này chỉ ghi nhận cách cấu âm đúng n (không phải l), vả lại nó đã giả định là ta phải biết từ định nói vốn có âm gì, nên không dễ ứng dụng. 

– Phân biệt s và x: thông thường, s nghiêng về thể hiện danh từ, x là động từ. Ví dụ: (chim) sẻ/ xẻ (gỗ), (con) sáo/ xáo (măng), súc (gỗ)/ xúc (đất),… Tuy nhiên, đây là sự phân biệt không triệt để. 

Ngoài các đặc điểm chung như nêu trên, ở các thổ ngữ trong phương ngữ Bắc bộ Việt Nam còn có một số thổ ngữ có cách nói đặc biệt, như thanh huyền thể hiện ở âm vị vực cao như tiếng Sơn Tây; cách nói nguyên âm [ a ] thành [є ] ở tiếng Nam Định; có âm chuyển sắc [ є ] → [ iє ], o → uo ở Hải Phòng; cách phát âm s → th (súng → thúng) ở ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Diện phân bố này hẹp, nên chúng ta coi như bỏ qua.

3.2. Về phương ngữ Trung 

Phương ngữ này có 23 phụ âm đầu, do đó đủ 3 âm uốn lưỡi được ghi bằng chữ viết là s, r, tr. Đọc và nói sai chủ yếu ở thanh điệu và một số vần. Do đó, các dị biệt chủ yếu có thể kể (trong toàn vùng): 

(a) Chỉ có 5 thanh. Đa phần thanh hỏi và thanh ngã bị lẫn lộn. Cụ thể: trừ Nghệ–Tĩnh lẫn lộn thanh ngã với thanh nặng, còn ở tất cả các tiểu thổ ngữ còn lại, kể cả Thanh Hóa, chủ yếu lẫn lộn thanh hỏi với thanh ngã. Điều này, còn gặp ở phương ngữ Nam. Đặc điểm chung toàn khu vực là sự “xô dồn” này chủ yếu từ thanh ngã sang hỏi, ngã sang nặng. 

Ví dụ: (lên) xã → (lên) xả, (nước) lã → (nước) lả, bã (trầu) → bả (trầu), hoặc (tất) cả → (tất) , cả xã → cạ xạ, (học) chữ → (học) chự,… 

Cách xử lý thanh điệu không ngoài gì khác là tự học (nghe, đọc nhiều thành quen), tra từ điển và nghe theo lời bài hát. Học sinh có thể chơi trò chơi đố thanh các từ. 

(b) Hệ thống nguyên âm đôi bị đơn hóa, các yếu tố thứ hai trong nguyên âm đôi bị triệt tiêu, yếu tố đầu có kéo dài hơn bình thường. Ví dụ: 

  • ươ → ư: bướng → bứng, nương → nưng, cương → cưng, sướng → sứng,… 
  • uô → u: xuống → xúng, cuống (lá) → cúng, buông tay → bung,… 

(c) Trong hệ thống âm cuối, các âm –n, –t → –ng, –k. Hiện tượng này xuất hiện từ Thừa Thiên Huế (phía Nam sông Ô Lâu trở vào). Ví dụ: 

  • –n → –ng, bắn → bắng, khăn (mặt) → khăng (mặc), bàn → bàng, lan → lang,… 
  • –t → –c (âm là /–k/): cát → các, mát → mác, đan lát → đang lác,… 

Hiện tượng này sẽ gặp lại trong phương ngữ Nam. 

Cách xử lý các hiện tượng về phần vần cũng tương tự như cách học các từ có thanh điệu dị biệt: học từng trường hợp, đọc sách, nghe đài, luyện nói và viết, nghe và nhớ theo lời bài hát. Và học sinh có thể chơi trò chơi đố chữ theo các bài tập soạn trước. 

Một số tỉnh trong phương ngữ Trung còn có một số âm và một số vần lạ như: phụ âm tl còn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; vần i → ây, ư → âư, u → âu (chị → chậy, nữ → nâữ, mũ → mẫu (ở Thanh Hóa), anh → eng (ở Quảng Bình), anh → ăn (Thừa Thiên Huế),… Ta có thể coi đây là những trường hợp phổ biến hẹp. 

3.3. Về phương ngữ Nam 

Vùng phương ngữ Nam rộng, kéo dài từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau, đây là vùng đất mới, tính trung bình trên dưới năm trăm năm. Cả vùng Nam Trung Bộ là khu vực phương ngữ chuyển tiếp từ Bắc Trung Bộ vào Nam. Nhìn chung, đây là phương ngữ tương đối thống nhất (so với phương ngữ Bắc và Trung). Có thể thấy các đặc trưng chủ yếu: 

– Đây là vùng có năm thanh điệu. Thanh ngã và hỏi đồng nhập, thường nói thành thanh hỏi. Về điệu tính, các thanh có khác các phương ngữ còn lại, có vẻ gần gũi với tiếng Bắc hơn là tính trầm ở phương ngữ Trung. Cái khó ở đây lại vẫn quay về phân biệt các thanh hỏi và ngã. 

– Về phụ âm đầu: 

+ Không có phụ âm /v/, thay bằng /w/. Ví dụ: văn hóa → văng woá, vá → , vệ quốc → vệ wók,… 

+ Âm đệm /–w–/ đang dần biến mất: luật → lục, toàn → tàu, nuốt → núc,… 

Về phần vần: 

+ Đồng nhất các vần: –in, –ít → –inh, –ích. Như: tin → tinh, mít → mích, thìn → thình, thịt → thịch, v.v… 

+ Các vần –un, –út → –ung, –úc. Ví dụ: bún → búng, cùn → cùng, (một) chút → (một) chúc, nút → núc, bùn → bùng

+ Cách đọc: nguyên âm hơi dài so với bình thường, để phân biệt với âm ngắn (bùn: u hơi dài, phân biệt với u ngắn trong bùng (nổ)).

+ Một số vần đặc trưng Nam Bộ khác như: –ênh → –inh như bệnh → bịnh, lệnh → lịnh, kênh → i; vần –inh → –anh như chính (sách) → chánh (sách), chính (quyền) → chánh (quyền), (hành) chính → (hành) chánh,…; vần –ân → –ơn, như: nhân → nhơn, nhân (quyền) → nhơn (quyền), nhân (ái) → nhơn (ái); vần –ing → iêng như kính → kiếng,… 

Nhìn chung, một số vần này đều là các yếu tố hoặc từ Hán–Việt, được định hình trong chữ viết như các từ độc lập, được thu thập vào các loại từ điển tiếng Việt hoặc từ điển phương ngữ, nên hay gặp và tra cứu dễ dàng. 

Về cách xử lý các biến thể địa phương cho phương ngữ Nam thì cũng không khác gì cách giải quyết ở các phương ngữ khác. Riêng phần vần và thanh điệu thì có thể sử dụng cách hát các từ hữu quan trong lời bài hát. Đặc biệt trong văn viết, đối với phương ngữ Nam còn có vấn đề sử dụng các từ địa phương trong các phong cách – chức năng. Điều này do lịch sử để lại: hiện tại, đây là “phương ngữ mạnh” (theo cách nói về phương ngữ Thâm Quyến, Hồng Công, Thượng Hải của Trung Quốc), và vốn trước kia, Sài Gòn là thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng hòa. 

Do vậy, ta không lạ gì khi trong tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, tiếng Nam Bộ (dù xét từ góc độ ngữ âm) vẫn rất thường gặp trong các tác phẩm của Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Ngọc Tư, và trước nữa là Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh,… 

Tiếng địa phương khá phổ biến trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Ảnh: Sưu tầm.

4. Thay lời kết 

Trên đây, chúng ta đã có bức tranh toàn cảnh về ngữ âm các phương ngữ tiếng Việt. Cách xem xét các đặc điểm ngữ âm được gói trong các phương ngữ. Thực ra, đây mới chỉ là các nét chính làm nên đặc điểm của từng phương ngữ, chứ chưa thống kê tỉ mỉ những đặc điểm vốn có trong thực tế của từng phương ngữ. 

Việc hiểu biết về phương ngữ nhằm mục đích gì? Chính các bạn khi tham gia thống kê để nghiên cứu phương ngữ nơi mình sống sẽ giúp bạn nhận ra mục đích của việc hiểu biết về ngữ âm địa phương của tiếng Việt. 

Khi nhận ra những khác biệt ngữ âm địa phương, chúng ta sẽ làm gì? Người nói “ngọng” sẽ tự nhận thức chỗ sai của mình. Trong việc ngăn chặn và sửa chữa những “sai sót” ngữ âm địa phương, chúng ta không chờ đợi một bí quyết. Mỗi chúng ta tự tìm ra bí quyết đó là phải tự học: đọc (nhiều) sách, báo, nghe đài, xem báo, nghe theo bài hát, và khi viết nếu thấy ngờ ngợ thì phải tra từ điển, đồng thời khi nói thì cần có ý thức dè chừng chỗ mình có thể phát âm “sai” với chuẩn…

Phạm Văn Hảo

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Tài liệu (tác giả) tham khảo chính:

  1. Nguyễn Văn Ái (1987), Sổ tay phương ngữ Nam Bộ, NXB Cửu Long.
  2. Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục.
  3. Hoàng Thị Châu (2004), Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Bùi Minh Đức (2009), Từ điển tiếng Huế (tiếng Huế, người Huế, văn hóa Huế, văn hóa đối chiếu), hai tập, NXB Văn học.
  5. Phạm Văn Hảo (chủ biên – 2009), Từ điển phương ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.

Những tấm lòng đồng cảm khác nhau

Bài mở đầu này nói về cảm hứng của những người làm công việc tạo ra sản phẩm nghệ thuật. Tại sao lại có những người chuyên tâm làm công việc làm ra các tác phẩm đó (làm thơ, viết truyện, vẽ tranh, chơi nhạc, diễn kịch…)? Ta có thể nghĩ đơn giản như sau: họ có lòng đồng cảm với con người nên họ có cảm hứng làm ra tác phẩm nghệ thuật. 

Câu trả lời đó không sai nhưng chưa đủ. Có những người không phải là nghệ sĩ nhưng cũng có lòng đồng cảm với con người và hoạt động vì cuộc sống hạnh phúc của con người. Ta hãy xem xét một kiểu người thứ nhất. 

Kiểu người sản xuất của cải vật chất 

Ta hãy tưởng tượng người cày đồng đang buổi ban trưa / mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày... Người ấy chịu đựng cày đồng vất vả ròng rã ngày này ngày khác, năm này năm khác, đời này đời khác, không vì riêng mình – người đó chịu đựng vì cha mẹ già, vì con cái còn nhỏ, vì gia đình mình, nhờ đó mà xã hội no đủ, êm ấm. 

Ta hãy tưởng tượng người đồng cảm với nỗi vất vả và nguy hiểm khi thấy trẻ em và người lớn phải đi cầu khỉ, người đó tìm cách xây cây cầu thật tiện lợi… Giống như những người làm ra những cây cầu, có những người khác lại mở nhà máy, hoặc xây những ngôi nhà đủ tiện nghi, hoặc tổ chức canh tác khoa học để tạo ra những cánh đồng tươi tốt, nuôi những đàn bò cung cấp thật nhiều sữa và thịt… Những người này cũng có thể có lòng đồng cảm với con người, họ mong muốn con người no ấm, hạnh phúc. Song, những sản phẩm của họ không phải là tác phẩm nghệ thuật. 

Công việc tạo ra các sản phẩm vật chất khác nhau (dệt vải, xây nhà, làm đường, trồng rừng, làm xe ô tô, sản xuất điện, v.v…) có những đại diện ưu tú là những nhà bác học, những nhà nghiên cứu, những kỹ sư và bác sĩ,… những người hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nữa, và ở đâu cũng thấy họ có cảm hứng tạo ra những sản phẩm ngày càng nhiều, đẹp, bền, tốt, và giá rẻ. 

Bạn có thể tra cứu và suy nghĩ về công việc của các doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ, Bạch Thái Bưởi, và nhiều người khác nữa. Nguyễn Sơn Hà mở nhà máy sản xuất sơn đầu tiên ở Việt Nam, Ngô Tử Hạ mở nhà máy in lâu đời nhất ở Việt Nam. Bạch Thái Bưởi là người mở công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam nối Hải Phòng với Sài Gòn và các vùng phụ cận… 

Bạn cũng có thể tra cứu xem các kỹ sư nông học Lương Định Của, Đào Thế Tuấn, Võ Thị Tri Túc,… đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp gì nổi danh?… Và bạn cũng tự đi tìm câu trả lời: sản phẩm của các vị này có phải là tác phẩm nghệ thuật không?

Ta sẽ gọi kiểu người trên là kiểu người tạo ấm no… Mục tiêu họ nhằm vào là nâng cao cuộc sống vật chất cho con người. Kiểu người tạo cuộc đời ấm no này có đáng yêu không? Các bạn cho biết: họ đáng yêu ở điểm nào? 

Còn đây là kiểu người gì? 

Bây giờ chúng ta sang một trường hợp với một người có tên là Jean–Jacques Rousseau. Ông Jean–Jacques Rousseau vốn là một đứa trẻ được nuôi nấng tại một nhà trẻ mồ côi. Thời xưa, có nhiều trẻ em bị bỏ rơi được đưa vào nuôi ở nhà trẻ mồ côi như Jean–Jacques Rousseau. 

Khổ thân ông Rousseau, đến khi trưởng thành, lấy vợ và có con, nhưng do nghèo quá, không làm lễ cưới chính thức được, nên con cái của ông Rousseau cũng lại phải gửi vào nuôi tại… nhà trẻ mồ côi! 

Ông Rousseau sau này viết sách về Giáo dục, tưởng tượng được nuôi dạy một em bé tên là Émile theo cách hoàn toàn tôn trọng sự phát triển tự nhiên của em. Ông còn viết sách khác, lấy tên là Khế ước xã hội có ý nói “con người sống chung trong xã hội cần có những quy ước, những ràng buộc, để xã hội yên bình, mọi người hạnh phúc”.

Bìa sách Khế ước xã hội – bạn nhìn thấy biểu tượng cái cân không? Cái cân có ý nghĩa gì vậy?

Có không ít người giống kiểu người theo mẫu Jean–Jacques Rousseau – kiểu người mơ ước tạo cuộc đời hài hòa. Những người này không trực tiếp tạo ra ấm no cho con người. Họ chỉ nghĩ cách làm sao cho con người thực sự sống trong ấm no, hạnh phúc. 

Họ là những nhà hoạt động xã hội. Có khi họ chọn Tôn giáo để xoa dịu nỗi khổ của mọi người; có khi họ chọn Đấu tranh để cố đảo ngược cuộc sống đau khổ của con người; có khi họ dùng Nhận thức để giúp con người thoát mê muội… 

Ở Ấn Độ thời xưa có đức Phật Thích Ca (nơi sinh của Phật nay thuộc về nước Nepal), Ngài từ bỏ nhà cửa lâu đài châu báu để đi tìm đường giảng đạo dạy con người thoát khỏi “bể khổ”. Ở Ấn Độ thời hiện đại có ông Gandhi được dân gọi là Thánh Gandhi, người chủ trương đấu tranh không bạo động để giành cuộc sống độc lập, tự do, no ấm. Cũng ở Ấn Độ thời hiện đại, có ông Aurobindo đứng ra tổ chức cả một vùng ở đó mọi người không tiêu tiền, con cái nuôi dạy chung, sản xuất và tiêu dùng chung để không có người giàu và người nghèo… (tiếc rằng công việc ông Aurobindo làm chỉ đứng được trong một thời gian không dài…). 

Ở Pháp, ngoài Jean–Jacques Rousseau còn rất nhiều nhà tư tưởng. Trong số đó có một nhà tư tưởng rất cần cho học sinh chúng ta, đó là nhà tâm lý học Jean Piaget. Xưa nay, người ta chỉ biết gửi con đến trường đi học, thầy giáo thì chỉ biết dạy và dạy, chẳng ai để ý trẻ em học như thế nào và như thế nào là cách học đúng để thầy giáo có cách dạy học đúng. Ông Piaget nghiên cứu cách trẻ nhỏ từ khi mới ra đời đã ăn thế nào, uống thế nào, khóc thế nào, cười thế nào, nhìn và nghe như thế nào,… cho tới cả khi nói thì nói như thế nào, chơi với bạn như thế nào… rồi học toán như thế nào, học chơi kịch như thế nào… Cách nghiên cứu của ông Piaget khiến các nhà giáo thấy cần tôn trọng trẻ em, cần là người bạn của trẻ em để tổ chức việc học của trẻ em, để các em đã đi học là học giỏi như nhau. 

Bạn thấy kiểu người như thế có lạ không? Các vị đó có làm cầu và xây nhà không? Có làm ra “dưa lê ông Của”, “cà chua bà Túc”, “gạo ngắn ngày năng suất cao” không?… Các vị đó có tạo ra của cải vật chất không? Theo ý bạn, các vị đó có cần cho cuộc sống của con người không? 

Kiểu người làm ra tác phẩm nghệ thuật 

Trong cuộc sống, còn có kiểu người thứ ba. Những người này không làm ra những cây cầu, những tòa nhà nhiều tầng, những chiếc máy bay chở vài trăm hành khách đi cả nghìn cây số trong vài ba giờ, những cánh đồng mỗi năm cho nhiều vụ thu hoạch, những đàn bò mà mỗi con bò cái cho cả nghìn lít sữa mỗi năm… Những người này cũng không kêu gọi hoặc bày cách cho mọi người sống cho ra sống, sống sao cho xứng đáng với danh hiệu con Người – biết yêu thương, biết xây dựng và bảo vệ hạnh phúc, biết khoan dung, biết đồng thuận, biết làm cho thế giới loài người chỉ còn hòa bình và xóa bỏ chiến tranh… 

Không giống như hai kiểu người trước, vậy đó là kiểu người như thế nào? 

Nhà nghiên cứu Arthur Koestler gọi đó là kiểu người có “đôi mắt ướt” – một cách nói mang nghĩa bóng là người dễ khóc. Họ dễ khóc, vì họ nhìn thấy cuộc sống của con người vô cùng mong manh và chứa chất đầy những đau buồn! Đến nỗi có nhà thơ nói con người sinh ra đã phải khóc thì mới sống, và khi chết cũng chết trong tiếng khóc. 

Nhà thơ Nguyễn Du kể chuyện thời thanh bình, ấy thế mà toàn bộ câu chuyện đã được mở đầu với hứa hẹn đẫm nước mắt: 

Trải qua một cuộc bể dâu, 

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng! 

Nên nhớ đó là câu chuyện xảy ra vào thời thái bình phẳng lặng: 

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, 

Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng… 

Có thể nói mà không sợ sai rằng tất cả các tác phẩm lớn của loài người đều nói chuyện buồn. Đó là vì lịch sử của cả loài người là những bước sải dài qua những nỗi buồn. Còn lịch sử từng cá nhân thì cũng đầy ắp những nỗi buồn. Tô Hoài viết truyện Nhà nghèo với cái chết của một bé gái đi bắt cá và chết đuối. Nam Cao viết truyện Lão Hạc với chi tiết trước khi lão tự tử thì nhà văn đã nhận thấy “đôi mắt lão ầng ậng nước”. Andersen (Đan Mạch) viết Em bé bán diêm kể chuyện em chết cóng trong đêm Giáng Sinh ở một góc phố đầy những cảnh ăn chơi sang trọng, Victor Hugo (Pháp) viết Những người cùng khổ, Feodor Dostoevski (Nga) viết Tội ác và trừng phạt, Lỗ Tấn (Trung Hoa) viết Nhật ký người điên tưởng tượng cảnh ăn thịt trẻ nhỏ, và kết thúc câu chuyện bằng lời kêu gọi Hãy cứu lấy trẻ em!… 

Bạn sẽ hỏi, vậy những tác phẩm hài hước có nói chuyện buồn không? Câu trả lời là: đời đầy những chuyện buồn, càng kể với vẻ hài hước càng khiến nỗi buồn thêm sâu đậm. 

Đây là câu chuyện một Người Dễ Khóc nhưng lại chọn việc chọc cười… cười mà buồn ơi là buồn! Đó là Charles Chaplin – còn được biết với tên gọi Vua Hề Charlot. 

Có một chuyện hồi ông lên năm tuổi. Khi đó, mẹ ông là nữ diễn viên tạp kỹ, là chiếc cần câu cơm của cái gia đình một mẹ và hai con trai (bố ông nghiện ngập không ở chung). Bất hạnh xảy ra khi bà bị mất tiếng, không hát và không biểu diễn được nữa. Một bữa, đang diễn trên sàn diễn thì bà bị khan tiếng, rồi mất tiếng hẳn. 

Đêm sau, Charlot xin ông bầu cho lên biểu diễn thay mẹ. Cậu bé năm tuổi đã bắt chước y hệt mẹ mình. Cậu hát bài mẹ mình vẫn biểu diễn và bắt chước cả cảnh mẹ mình khan tiếng rồi mất tiếng. Thấm thía nỗi buồn từ ngay gia đình mình, rồi đồng cảm với cái buồn ngoài xã hội, Charles Chaplin đã tạo ra vô số bộ phim tuyệt vời, Ánh sáng thành phố (mà thực ra là cảnh đời người công nhân tăm tối ở những thành phố rực rỡ ánh đèn), Thời hiện đại (mà thực ra là cảnh đời bị vắt kiệt sức ở những thành phố công nghiệp)… Charles Chaplin đã mở đầu phim Thời hiện đại bằng cảnh tan tầm, công nhân mỏi mệt, kiệt lực từ các nhà máy túa ra đường xen kẽ với cảnh những đàn lợn chen chúc nhau đi, chẳng biết đi về đâu.

Đời con người nhiều tiếng khóc. Và trong lời nói của con người, cũng có nhiều từ để chỉ những cách khóc khác nhau, nào kêu khóc, oà khóc, gào khóc, khóc thương, than khóc, khóc nức nở, khóc thút thít, khóc tấm tức, khóc nước mắt chứa chan, khóc thầm, khóc một mình, khóc không nước mắt, khóc nuốt nước mắt vào trong… 

Khóc là một cách biểu hiện cảm xúc của con người. Trong truyện Cuốn sách Rừng rậm nhà văn Anh Rudyard Kypling tả một em bé lạc vào rừng và sống với bầy sói, lớn lên cùng sói, coi sói như gia đình, cho tới khi phải xa bầy sói để trở về làng sống với người…

Lúc ấy, Mowgli cảm thấy có cái gì đó làm xáo trộn mạnh mẽ bên trong người mình, điều em chưa từng gặp trước đây bao giờ, và em nín thở rồi nức nở, nước mắt ròng ròng trên mặt. 

“Gì vậy? Gì vậy?” em nói. “Em không muốn xa rừng, mà tại sao lại thế này? Có phải em sắp chết không, anh Báo Đen?” 

“Không đâu, em à. Đó chỉ là nước mắt thường thấy ở con người,” Báo Đen nói. “Bây giờ thì anh biết em là một con người… Rừng rậm từ nay đóng chặt cửa đối với em. Cứ để cho nước mắt rơi, khóc nữa đi, em. Đó chỉ là nước mắt.” 

Thế là cậu bé ngồi xuống và khóc, tưởng chừng như tim cậu muốn vỡ ra. Cậu khóc như chưa từng khóc cả đời mình trước đó. 

Khóc không chỉ giải tỏa nỗi buồn đau của con người – con người còn có niềm riêng thích lưu giữ nỗi đau, con người còn muốn cho nỗi buồn và nước mắt thành kỷ niệm, có khi thành bài học nữa… Và người nghệ sĩ là kiểu người có tài năng riêng, người nghệ sĩ tự nhận lấy sứ mệnh lưu giữ hộ mọi người cái nỗi đau của chính mọi người. Trong chuỗi từ ghép gắn với từ gốc khóc bên trên, còn thiếu một từ khóc mướn. Cuộc đời diễn ra đầy đau khổ, nhưng vô số người lăn qua mà chẳng chú ý gì. Riêng người nghệ sĩ lại tự mình sung sướng làm lại những nỗi đau đời, được sống như kẻ khóc mướn. Nhà văn Nga Raxun Gamdatov (trong sách Đaghextan của tôi) nhận xét rất hay về kiểu người khóc mướn đó: 

“người mẹ mất con là người đau khổ nhất, song bài thơ nói lên được nỗi đau mất con có khi lại do nhà thơ chưa từng có con viết ra.” 

Chúng ta đã nhận ra kiểu người nghệ sĩ làm công việc khóc mướn để giúp con người lưu giữ những giọt nước mắt chỉ con người mới có. Sứ mệnh đó đòi hỏi người nghệ sĩ làm công việc khóc mướn phải có đầy tinh thần trách nhiệm. Không có bộ luật nào quy định người nghệ sĩ phải có trách nhiệm ra sao. Nhưng cái bộ luật trong tinh thần nghệ thuật quy định cái trách nhiệm đó. 

Trách nhiệm của người nghệ sĩ thể hiện ở những chỗ nào? 

Một là, người nghệ sĩ phải cất tiếng nói vì những chân lý trong cuộc sống. Nói đến “chân lý” tức là nói lên sự thật, sự đúng đắn, là chống lại sự giả dối. Người nghệ sĩ phải tìm thấy cảm hứng trong công việc nói lên sự thật. Nếu người nghệ sĩ nói những điều dối trá, họ sẽ không thể có cảm hứng nghệ thuật. 

Hai là, người nghệ sĩ phải cất tiếng nói vì những điều thiện trong cuộc sống. Người nghệ sĩ không được phép làm ra những tác phẩm để cổ vũ cho cái ác. Nếu người nghệ sĩ sống vì cái ác, sống với cái ác, họ sẽ không thể có cảm hứng nghệ thuật. 

Ba là, người nghệ sĩ phải cất tiếng nói vì cái đẹp trong cuộc sống và đem lại cái đẹp cho cuộc sống. Người nghệ sĩ không được phép cổ vũ cho những điều xấu xí, hơn thế, họ còn không được phép làm ra những tác phẩm xoàng xĩnh, rẻ tiền. Người nghệ sĩ làm ra những sản phẩm tầm thường để kiếm danh vọng và tiền bạc sẽ không thể có cảm hứng nghệ thuật. 

Ba điều về trách nhiệm của người nghệ sĩ được nói gọn trong ba chữ Chân – Thiện – Mỹ. Người nghệ sĩ hướng đến Chân, Thiện, Mỹ sẽ có được cảm hứng nghệ thuật và sẽ tạo ra được tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Tóm lại, 

Mời các bạn cùng đi tìm cảm hứng nghệ thuật – tìm xem vì sao người nghệ sĩ lại làm ra tác phẩm nghệ thuật. 

Với người tạo cuộc đời ấm no, sản phẩm của họ ngày một tốt hơn, rẻ hơn, đẹp hơn và bền hơn đời trước. Sản phẩm của họ ai ai cũng thấy được và hưởng thụ, ai ai cũng cảm nhận và đánh giá được. 

Với người tạo cuộc đời hài hòa, sản phẩm của họ là năng lực suy tư của họ. Không dễ gì để đánh giá sản phẩm của những người này. Cần người có học xem xét đánh giá loại sản phẩm này. 

Với kiểu người nghệ sĩ, sản phẩm của họ là cảm xúc – là nước mắt, nhiều khi tiếng cười cũng mang nước mắt – họ là những đôi mắt ướt hồn nhiên. Việc học Văn của các bạn sẽ giúp các bạn tập làm ra tác phẩm nghệ thuật, nhờ đó mà biết đánh giá tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ lớn.

Phạm Toàn

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)