Ghi chép từ một buổi hướng dẫn đọc sách cho học sinh

Thứ Năm, 13/3/2025, mình đã có một ngày tưng bừng hướng dẫn và thực hành kỹ năng đọc sách với các bạn nhỏ Unigo. Hằng ngày, các cô đã hướng dẫn và khuyến khích các bạn đọc, nên kỹ năng đặt câu hỏi và tốc độ đọc của các bạn khá ấn tượng.

Nhóm lớp 1 rất vui thích tìm thông tin về cuốn sách, đọc và dự đoán diễn biến của câu chuyện. Các bạn đặt mình vào vị trí của nhân vật để cảm nhận suy nghĩ và hiểu hơn về hành động của các nhân vật trong sách. Các bạn bé xíu này đặc biệt thích thú với việc đọc sách cho nhau nghe – những tháng cuối năm học mà được đi đọc cho các em bé tiền tiểu học, mầm non thì các chàng, các nàng tự hào phải biết! Có sẵn sách ngay trong lớp học và tạo cơ hội để được đọc cho người khác là cách hiệu quả để học sinh lớp 1 đọc tốt hơn, đọc chăm hơn, biến hoạt động đọc thành thói quen thường ngày!

Nhóm lớp 2 và lớp 3 thực hành các hoạt động đơn giản “nhỏ mà có võ” để tăng tốc độ đọc, chơi trò chơi tìm từ khoá và chủ động phát triển vốn từ bằng cách tạo dựng từ điển của riêng mình từ những trang sách đã đọc. Nhiệm vụ không đơn giản nhưng có đồng đội phối hợp nên các bạn dễ dàng chinh phục các thử thách mình đưa ra.

Nhóm các anh chị lớn lớp 4, 5 & 6 thực hiện nhiệm vụ “nhức đầu” hơn, vừa học cách ghi chép mới theo kiểu Cornell Notes, vừa thực hành kỹ thuật đọc SQ3R nên mặt mũi đăm chiêu lắm! Có điều các bạn ấy thấy các cô chủ nhiệm cũng đang thực hành với những cuốn sách dày cộp bên cạnh nên có thêm động lực. Trong thời gian ngắn, mỗi bạn làm quen với việc đọc chủ động, tìm thông tin từ một cuốn sách mới tinh và nhận ra để “xử” một cuốn sách dày có cách để ta tiết kiệm được thời gian hơn hẳn những thói quen trước. Để có thể làm chủ cách đọc này, các bạn sẽ cần luyện tập chăm chỉ, đều đặn. Chào mừng các bạn bắt đầu những bước chân đầu tiên để chuyển dịch dần từ giai đoạn học để đọc sang giai đoạn đọc để phục vụ việc học của mình!

Tham gia cùng học sinh, một cô giáo chia sẻ từ xưa tới giờ thích đọc sách nhưng chưa có cơ hội được nghe hướng dẫn cách đọc thế nào, chỉ đọc theo kinh nghiệm nên tốn khá nhiều thời gian, đôi lúc bận rộn quá muốn đọc sách cũng không sắp xếp được. Với những buổi chia sẻ gắn với thực hành thế này, hi vọng các thầy cô vừa nhấm nháp niềm vui đọc sách, vừa có thể tăng thêm kỹ năng của bản thân, từ đó tổ chức hoạt động đọc của học sinh thêm hiệu quả, thúc đẩy văn hoá đọc trong nhà trường.

— FB Thao Dinh

Các nội dung giúp trẻ hình thành thói quen và biết cách đọc sách là một phần quan trọng trong Chương trình Giáo dục ANE. Các nội dung này được đưa vào các giờ học Đọc sách tương tác, Viết sáng tạo, v.v…