Một buổi hội thảo của học sinh lớp 4

Một sáng tháng 5/2024, mình được cô giáo và các bạn học sinh Lớp 4A1 trường Tiểu học & THCS Unigo ưu ái mời tham dự hội thảo đầu tiên của Lớp 4 mang tên “NHỮNG ĐIỀU EM QUAN TÂM”, thấy hồi hộp không kém gì tham dự một hội nghị lớn. 12 gương mặt, 12 đề tài thể hiện sự quan tâm của các bạn thật phong phú từ việc nuôi mèo, nuôi chó, xả rác, chơi đồ chơi, xem ti vi đến đi học hè, rồi việc cha mẹ so sánh con mình với con người khác, cách học, cách dạy ở trường… Chỉ đọc tên đề tài trên danh sách thôi đã đủ thấy hấp dẫn rồi!

Hội thảo này có khách mời khá phong phú, từ cô phó hiệu trưởng đến các thầy cô giáo trong trường, cố vấn môn học của nhà trường và rất đông các cha mẹ. Vừa vào đầu hội thảo, sau khi giới thiệu lịch trình, hai bạn nhỏ dẫn chương trình (MC) đã nhắc nhiệm vụ của các khách mời là lắng nghe, ghi chép và tích cực đặt câu hỏi trao đổi với các diễn giả. Một bạn còn “giao khoán” luôn: “Phụ huynh nào cũng cần đặt ít nhất một câu hỏi”. Bút, phiếu ghi chép, phiếu ghi câu hỏi được cô trò chuẩn bị cẩn thận, phát tận tay từng vị khách quý! Làm khán giả ở dưới mà bỗng có cảm giác phải chuẩn bị… lên bảng trả lời câu hỏi, hihi!
Sau hoạt động thuyết trình, đề tài nào cũng nhận được nhiều câu hỏi, góp ý… và các diễn giả nhí đối đáp trao đổi khá đĩnh đạc tự tin. Có bạn nói về việc tự học ở nhà, bố đứng lên đặt câu hỏi: Nhưng bố thấy con ở nhà chưa tự giác học, vậy thì phải làm thế nào? Có bạn thì vừa dứt phần trình bày đã làm luôn việc của người dẫn chương trình, mời mẹ đặt câu hỏi trong lúc mẹ vẫn còn đang ngơ ngác. Hội thảo vừa nghiêm túc, vừa vui vẻ! Hết phiên trình bày, trở về chỗ ngồi mới thấy bạn nào bạn nấy thở phào một cái, hoá ra các chàng trai cô gái cũng lo lắng, hồi hộp đấy chứ!

Đặc biệt, có cô bạn Ngọc Hân trình bày về việc “Có nên cho trẻ em học bằng phương pháp Cánh Buồm hay không” khiến mình rất ngạc nhiên. Nghe bạn trình bày về lợi ích, khó khăn rồi giải pháp, mình tò mò hỏi lại các bạn xem học theo phương pháp Cánh Buồm là học thế nào? Không chỉ diễn giả chính mà các bạn khác cũng đua nhau trả lời. Các hoạt động học tập được chỉ ra cụ thể, nào là đặt câu hỏi, tưởng tượng đóng vai, sáng tác thơ, truyện, tìm kiếm thông tin, viết bài luận… Các bạn hào hứng bổ sung cho nhau, cố sức làm cho cô và các bố mẹ ngồi dưới hình dung ra những gì các bạn đã được làm ở lớp. Khi mình muốn biết thêm ý kiến của các bạn về những khó khăn có thể gặp phải khi cho học sinh học theo phương pháp Cánh Buồm, hai chàng trai đã liệt kê ra một danh sách dài:
– Học sinh mới học sẽ không quen, thấy phải làm nhiều việc quá!
– Học kiểu này phải suy nghĩ liên tục, nhanh bị mệt!
– Nhiều trường khác không học phương pháp Cánh Buồm nên bố mẹ lo liệu con chuyển sang trường khác có học được không.
– Nhiều thầy cô giáo chưa biết đến phương pháp này nên trường khó tìm được thầy cô phù hợp để giảng dạy.
– Có thể thầy cô biết nhưng ngại không muốn dạy vì thầy cô cũng phải làm việc nhiều.
Liệt kê xong rồi lại cùng nhau đưa ra giải pháp. Mỗi bạn góp một ý. Điều ân tượng nhất là khi nói đến hai ý cuối (nhiều thầy cô chưa biết đến phương pháp này, thầy cô có thể ngại làm theo…) thì các bạn đưa ra một loạt phương án:
– Trường ưu tiên tuyển dụng các thầy cô đã tìm hiểu, yêu thích phương pháp Cánh Buồm.
– Trường tổ chức đào tạo cho các thầy cô về cách dạy theo phương pháp Cánh Buồm thường xuyên.
– Tăng lương cho các thầy cô dạy hay.
– Khuyến khích học sinh của trường lớn lên đi học làm giáo viên để về trường dạy tiếp theo phương pháp Cánh Buồm.
– Mỗi thầy cô đã dạy theo phương pháp Cánh Buồm hướng dẫn cho một thầy cô mới…

Nhìn sang thấy cô phó hiệu trưởng gật gù, hẳn là có nhiều đề xuất của các bạn hợp ý của các thầy cô trong Ban giám hiệu Unigo đây!

– Thảo Đinh